Showing posts with label Pháp Luật. Show all posts
Showing posts with label Pháp Luật. Show all posts

Thursday, March 30, 2017

Vi phạm quy định về quảng cáo sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng

BPO - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự giao thông, xã hội và trên phương tiện giao thông sẽ bị xử lý như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
(Ảnh minh họa)
Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Quảng cáo thuốc không đúng với nội dung được xác nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quảng cáo thuốc đang trong thời hạn xem xét, giải quyết hồ sơ theo quy định; quảng cáo thuốc theo tài liệu thông tin quảng cáo đã được xác nhận hết giá trị; quảng cáo thuốc khi chưa nộp hồ sơ đăng ký quảng cáo thuốc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quảng cáo trên các thiết bị điện tử tại nơi công cộng; phát tán hoặc thuyết trình tại hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm không đúng với hồ sơ công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo. Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm. Quảng cáo thực phẩm chức năng dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo dỡ hoặc xóa bỏ quảng cáo.

 (Sưu tầm)

Monday, March 27, 2017

Pháp luật xử lý như thế nào đối với việc đưa thông tin, hình ảnh của người khác trái phép lên mạng xã hội

Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, mạng xã hội mà phổ biến là Facebook có những tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Bên cạnh mặt tích cực, nhiều cá nhân đã lợi dụng môi trường mạng để lan truyền, chia sẻ hình ảnh, xâm hại đời tư, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác...
Không chỉ tung tin lên trang facebook cá nhân, nhiều người còn đăng trên các diễn đàn, hội nhóm trên facebook để lan truyền cho nhiều người. Thực tế đã có nhiều trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật, bôi xấu người khác từ góc nhìn phiến diện của bản thân chỉ nhằm thỏa mãn những tư thù cá nhân, hay có khi chỉ là hành vi câu “like” trên mạng xã hội. Những thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng này lại luôn khiến cộng đồng mạng ồn ào, sẵn sàng tung hô theo số đông.
(Thông tin mạng xã hội)
Mới đây, trên nhóm facebook Chợ sale DAKMIL (một nhóm bán hàng tổng hợp với hơn 39 nghìn thành viên), một phụ nữ tên N.H.T, trú tại xã Đức Mạnh (Đắk Mil) đã đăng ảnh của một người phụ nữ tên B, trú cùng xã với lời tố cáo người này ngoại tình, cướp chồng người khác. Bài viết nhanh chóng thu hút rất nhiều lượt xem, bình luận của các thành viên trong nhóm, nhiều ý kiến hùa theo, lên án hành vi của người phụ nữ tên B. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng hiềm khích cá nhân giữa T và B nên tự giải quyết chứ không nên đăng lên mạng xã hội như vậy. Đồng thời, những người biết nội tình sự việc cũng lên tiếng đính chính thông tin trên là không chính xác và yêu cầu T gỡ bài viết, tránh bôi nhọ danh dự, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình người khác.
Đây là một trong số những trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép, xâm hại đời tư cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác diễn ra trên mạng xã hội. Việc sử dụng hình ảnh của người khác một cách tùy tiện để đưa lên mạng mà không xin phép, không được sự đồng ý của cá nhân sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại, bị xử phạt hành chính với mức phạt lên đến vài chục triệu đồng và nặng nhất là bị xử lý hình sự.
Bộ luật Hình sự có những chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm của người dùng mạng internet. Cụ thể, người có hành vi loan truyền những thông tin bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể phạm tội vu khống (Điều 122). Trường hợp đưa những thông tin trên mạng xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có dấu hiệu cấu thành tội làm nhục người khác (Điều 121).
Thực tế nhiều trường hợp, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý trường hợp đưa thông tin sai sự thật lên trang facebook cá nhân. Chủ trang facebook đó vừa phải kiểm điểm trước đơn vị công tác, vừa phải nộp phạt vi phạm hành chính và chịu những phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng.
Người sử dụng mạng xã hội cần phải ý thức được giới hạn của việc đưa thông tin, hình ảnh của người khác lên internet sao cho đúng mực. Bởi lẽ, nếu không kiểm soát được những việc làm của mình, có thể những thông tin tưởng chừng vô thưởng vô phạt vẫn gây ra những hậu quả khôn lường. Mạng ảo nhưng hậu quả không hề ảo.

Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ:
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.


 (Nguồn: baodaknong.org.vn)

Sunday, March 26, 2017

Lùi thời hạn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13

Sáng 22-3, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) thành phố Nguyễn Bá Sơn chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 dự kiến trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba sắp đến.
Qua trao đổi, các ý kiến đều đồng tình cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn sau khi BLHS năm 2015 được thông qua để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần lùi thời hạn thi hành BLHS để bảo đảm việc tổ chức triển khai được thực hiện tốt, kỹ càng, đồng bộ.
(Bộ luật hình sự 2015)
Bên cạnh các ý kiến đề nghị thêm bớt, làm rõ, chỉnh sửa một số câu từ…, các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn về luật còn đưa ra nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến các nội dung trong dự án. Một số ý kiến cho rằng, xu hướng “trẻ hóa” tội phạm đang gia tăng, cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ phạm tội; do đó, cần quy định rõ ràng các tội mà người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cần thiết lập cơ chế tòa án chuyên trách cho trẻ em nhằm hỗ trợ và bảo vệ tốt hơn trẻ em có liên quan đến pháp luật, bảo đảm không ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ em trong độ tuổi này. Ý kiến khác cho rằng, việc quy định xử lý hình sự quá rộng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi tiềm ẩn nguy cơ sớm đưa các em vào vòng tố tụng, không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người tốt trong xã hội. Vì vậy, chỉ nên quy định xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Về quy định xác định hàm lượng chất ma túy để quy ra khối lượng hoặc thể tích, có ý kiến đề nghị chỉ xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong 4 trường hợp: chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy ở thể lỏng được pha loãng; xái thuốc phiện; chất ma túy trong thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Ý kiến khác đề nghị cần giám định hàm lượng chất ma túy trong tất cả các trường hợp để bảo đảm công bằng trong xét xử. Về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, một số ý kiến tán thành với việc quy định “bỏ trốn” là tình tiết định tội tại khoản 1 Điều 175 để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay…
(Nguồn: baodanang.vn)

Mua đất bằng giấy tay, làm sổ đỏ như thế nào?

Nghị định 01/2017 (sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 43 hướng dẫn Luật đất đai 2013) có quy định những trường hợp mua bán bằng giấy viết tay trước ngày 1-1-2008 sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất (giấy chứng nhận - “sổ đỏ”).
(Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ))
Người dân đang sử dụng nhà đất giao dịch giấy viết tay thuộc khung thời gian mà nghị định 01 (nêu trên) cho phép, khi đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cần chuẩn bị các hồ sơ như sau: đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận; một trong các loại giấy tờ quy định tại điều 100 của Luật đất đai và điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nếu có (bao gồm: những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15-10-1993; giấy chứng nhận tạm thời hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính; giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất…).
Đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, người dân cần nộp thêm một trong các giấy tờ quy định tại các điều 31, 32, 33 và 34 của nghị định số 43 như: giấy phép xây dựng nhà ở; hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở; bản án, quyết định của tòa án nhân dân… Ngoài ra, người dân cần nộp thêm các chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính và các giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Người đề nghị cấp giấy chứng nhận có thể nộp hồ sơ tại UBND cấp xã hoặc văn phòng đăng ký đất đai. Thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận cho cá nhân và tổ chức tối đa 15 ngày. Nghị định cũng yêu cầu cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền theo quy định của pháp luật.
(Nguồn thuvienphapluat.vn)


Sunday, December 4, 2016

Tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam và nhu cầu tuyển dụng hiện nay

Trong quý III, nhu cầu tuyển dụng và người đi tìm việc làm đều tăng, song doanh nghiệp chủ yếu cần lao động phổ thông; nhóm có chuyên môn kế toán, ngân hàng không có nhiều cơ hội.

Ngày 2/12, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cập nhật thông tin thị trường lao động quý III năm 2016. Cả nước có 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý II nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong số 456.000 người trình độ chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp, có 202.000 người tốt nghiệp đại học trở lên.
Trong quý này, thất nghiệp tăng về tỷ lệ và số lượng, đặc biệt là trong nhóm thanh niên. Tỷ lệ thanh niên thành thị thất nghiệp là 8,78%, gấp gần 4 lần tỷ lệ thất nghiệp chung (2,34%).
(Ảnh: minh họa)
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, thị trường lao động đang có sự mất cân đối ở một số nghề. Nhu cầu tuyển dụng và số người đi tìm việc làm đều tăng, song các doanh nghiệp tuyển nhiều nhất vẫn là lao động phổ thông (68%), may mặc khoảng (12%). Trong khi đó, người có chuyên môn kế toán - kiểm toán, tài chính - ngân hàng thuộc nhóm đi tìm việc nhiều nhất nhưng không có nhiều cơ hội.
Do điều chỉnh lương tối thiểu, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương là 4,93 triệu/tháng, tăng 80.000 đồng so với quý II. Theo khảo sát, lao động làm việc trong ngành kinh doanh bất động sản có thu nhập cao nhất, tiếp theo là nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Thứ trưởng Bộ Lao động Doãn Mậu Diệp cho hay, qua 9 tháng, kinh tế phát triển nhưng chậm so với cùng kỳ. "Khó khăn về công ăn việc làm, số người thất nghiệp gia tăng vẫn là thách thức lớn", ông nói.
(Nguồn: theo Vnexpress.net)

Các Luật, Bộ Luật mới bắt đầu có hiệu lực từ năm 2017

Điểm danh lại danh sách của 08 Luật, Bộ Luật mới bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ năm 2017.
Được Quốc hội thông qua và ngày 06/04/2016 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Được Quốc hội thông qua và ngày 05/04/2016 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Được Quốc hội thông qua và ngày 05/04/2016 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2017.
Được Quốc hội thông qua và ngày 25/11/2015 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2017.
Được Quốc hội thông qua và ngày 25/11/2015 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Được Quốc hội thông qua và ngày 24/11/2015 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
(Ảnh: Bộ luật dân sự 2015)
Được Quốc hội thông qua và ngày 20/11/2015 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

Được Quốc hội thông qua và ngày 25/06/2015 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
(Sưu tầm)

Tuesday, November 29, 2016

Dự thảo quy định về Kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế

Dự thảo Nghị định về Kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế đang hoàn tất theo hướng thí điểm ở một số địa phương và Chính phủ quyết định mức đặt cược tối thiểu và tối đa.

(Ảnh minh họa)

Thông tin từ website Bộ Công Thương cho biết, Ban soạn thảo đang hoàn tất trình Chính phủ trước 1/12 Dự thảo Nghị định về Kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế. Sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, những đơn vị liên quan, dự thảo đang được hoàn thiện theo hướng cho phép công dân 21 tuổi trở lên được tham gia. Tuy nhiên, mức đặt cược tối thiểu và mức đặt cược tối đa sẽ do Chính phủ quyết định. Trước đó, trong một dự thảo, Bộ Tài chính định đưa ra phương án, mức đặt cược tối thiểu cho một lần là 10.000 đồng, tối đa cho mỗi người chơi trong một ngày với từng sản phẩm là một triệu đồng.
Sau một năm hoạt động kinh doanh đặt cược được sử dụng phương thức phân phối vé đặt cược thông qua thiết bị đầu cuối tại Việt Nam, doanh nghiệp sẽ được phân phối vé đặt cược thông qua điện thoại.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan đề xuất, trình Thủ tướng quyết định lựa chọn một số địa phương để thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá. Thời gian thí điểm không quá 5 năm. Người chơi đặt cược ngoài việc phải từ 21 tuổi trở lên còn phải có đầy đủ năng lực, hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Không chỉ vậy, người liên quan đến nài ngựa, cầu thủ, trọng tài, người quản lý doanh nghiệp kinh doanh đặt cược, thành viên Hội đồng giám sát cuộc đua không được tham gia đặt cược...
Vì vậy, theo Bộ Công Thương, cần bổ sung các quy định rõ ràng, chặt chẽ để hạn chế tối đa khả năng khiếu nại sau thời gian thí điểm.
(Nguồn: sưu tầm)


Saturday, November 19, 2016

Những kỹ thuật thẩm vấn, hỏi cung cơ bản - không hề đơn giản như trên phim

Cảnh tượng tra vấn nghi phạm có lẽ đã quá quen thuộc với các fan hâm mộ thể loại phim hình sự. Đẩy trí tưởng tượng đi xa một chút, có lẽ bất cứ ai cũng có thể buộc một tên tội phạm phải khạc ra lời cung. Trừng mắt dọa nạt, gào vào mặt hắn rằng dấu vân tay
Công việc không hề đơn giản như những bộ phim hình sự mà các bạn vẫn xem
Cảnh tượng tra vấn nghi phạm có lẽ đã quá quen thuộc với các fan hâm mộ thể loại phim hình sự. Đẩy trí tưởng tượng đi xa một chút, có lẽ bất cứ ai cũng có thể buộc một tên tội phạm phải khạc ra lời cung. Trừng mắt dọa nạt, gào vào mặt hắn rằng dấu vân tay của hắn vung vãi khắp nơi trên hiện trường, và bingo! Hắn buộc phải thú nhận mọi việc.
Bạn có sự tự tin, bạn có khả năng sáng tạo, bạn dễ dàng đọc vị đối phương, nhưng chừng đó là chưa đủ để bạn có thể lấy lời khai từ bất cứ tên tội phạm nào. Thanh tra thẩm vấn là những người được đào tạo chuyên nghiệp ở lĩnh vực tâm lý xã hội, và họ có sẵn cho mình hàng tá những chiến thuật để moi lấy lời khai từ phía đối phương.
(Ảnh: Minh họa)
Buộc ai đó phải thú nhận tội lỗi của mình là chuyện không hề đơn giản, và thực tế, ngay cả những chuyên gia thẩm vấn xuất sắc nhất đôi lúc cũng phạm phải sai lầm. Không có cuộc thẩm vấn nào giống với cuộc thẩm vấn nào, nhưng điểm chung của chúng là đều khai thác những điểm yếu nhất định trong bản tính con người. Những điểm yếu này sẽ sớm bộc lộ khi bạn tạo cho đối phương một trạng thái căng thẳng, khi bạn buộc đối phương phải trải nghiệm những thái cực đối lập nhau. Thống trị và quy phục, kiểm soát và phụ thuộc, bi kịch và lạc quan – nếu bạn áp dụng đúng cách, ngay cả những tên tội phạm cứng đầu nhất cũng sẽ phải thú nhận.
Những kỹ năng hỏi cung cơ bản.
 Kỹ thuật thẩm vấn hiện đại phần lớn đều dựa trên việc nghiên cứu bản chất con người. Hầu hết chúng ta đều có xu hướng thích trò chuyện với những người có vẻ giống với mình. Một khi đã bắt đầu mở lời, sẽ rất khó để dừng lại. Một khi đã bắt đầu nói thật, sẽ càng khó hơn để dối trá. Khi viên thanh tra nói rằng dấu vân tay của bạn được tìm thấy trên núm cửa tại hiện trường, bạn vẫn sẽ cảm thấy tim mình đang đập mạnh hết cỡ, mặc dù bạn đã đeo găng lúc gây án.
Trong một vài trường hợp, nhà điều tra được phép nói dối nghi phạm để buộc hắn phải thú nhận. Điều này dựa trên việc cho rằng một người vô tội sẽ không bao giờ thú nhận tội ác mà anh ta (hoặc cô ta) chưa từng phạm phải, cho dù họ phải đối mặt với một chứng cứ giả tạo. Không may là không phải 100% các trường hợp đều diễn ra như vậy. Sử dụng quá nhiều chứng cứ giả tạo, sẽ có lúc bạn tống cổ một người vô tội vào xà lim.

Việc trấn áp tâm lý đối phương được bắt đầu ngay trước khi viên thanh tra mở lời. Phòng thẩm vấn được bố trí theo cách làm tối đa hóa cảm giác khó chịu và bất lực của nghi phạm, ngay từ khi hắn bước chân vào căn phòng. Một căn phòng thẩm vấn điển hình sẽ là một căn phòng nhỏ, cách âm, bên trong không có gì khác ngoài một cái bàn và 3 cái ghế. Nó tạo ra một không khí ngột ngạt, thiếu thiện cảm, khiến cho nghi phạm có cảm giác bị cô lập và chỉ muốn ra khỏi đó càng nhanh càng tốt.
 Trước khi đi vào cuộc hỏi cung, viên thanh tra  sẽ có một cuộc đối thoại nho nhỏ với nghi phạm. Viên thanh tra sẽ bằng mọi cách tạo ra một bầu không khí càng ít căng thẳng càng tốt. Họ sẽ đề nghị nghi phạm chia sẻ một số chi tiết đời thường như sở thích cá nhân hay một ước mơ nào đó. Họ làm mọi cách để lấy được niềm tin cũng như sự đồng thuận của đối phương. Một khi nghi phạm đã chịu mở lời, rất khó để họ dừng lại, và một khi họ đã chịu nói thật, càng khó hơn để bắt đầu dối trá.
Trong suốt cuộc trò chuyện này, mọi phản ứng, cả bằng lời lẫn không lời của nghi phạm sẽ được ghi lại. Một đường phản ứng nền (baseline reaction) được tạo ra, trước khi sự căng thẳng thực sự bắt đầu.
Một phương pháp khác thường được áp dụng để lấy được đường phản ứng nền, đó là phương pháp ghi nhận chuyển động của con mắt. Viên thanh tra sẽ hỏi những câu hỏi gợi nhớ (đòi hỏi trí nhớ) và những câu hỏi đòi hỏi suy nghĩ. Khi nghi phạm cố nhớ điều gì đó, mắt của hắn thường di chuyển sang bên phải – một biểu hiện của bộ não khi kích thích trung tâm ký ức. Khi nghi phạm nghĩ về điều gì đó, mắt hắn sẽ hướng lên trên hoặc sang phải – một biểu hiện khi bộ não đang kích thích trung khu nhận thức. Tất cả những chuyển động này đều được ghi lại.
 Đấu trí
 Cuộc thẩm vấn chỉ thực sự bắt đầu khi viên thanh tra sử dụng kỹ thuật gây áp lực lên đối phương. Kỹ thuật này bao gồm 9 bước, nhưng trên thực tế, có khá nhiều trường hợp một số bước bị bỏ qua. Không có cuộc thẩm vấn nào là điển hình, nhưng 9 bước cơ bản này sẽ giúp bạn phần nào nhận ra cách để thành công trong việc tra hỏi.
 Đối mặt
 Viên thanh tra sẽ phác thảo sơ bộ về diễn biến của vụ việc, đồng thời đưa ra những chứng cứ chống lại nghi phạm. Chứng cứ này có thể có thực, có thể được dựng lên, nhưng điều đó không quan trọng. Chúng được đưa ra nhằm mục đích khẳng định sự liên quan của nghi phạm đến vụ việc. Mức độ căng thẳng bắt đầu leo thang, và đây chính là thời điểm viên thanh tra rời khỏi chỗ ngồi. Việc di chuyển trong căn phòng và áp sát nghi phạm sẽ làm hắn cảm thấy bức bối và khó chịu.
Nếu nghi phạm bắt đầu tỏ ra bồn chồn, thường xuyên cựa quậy, liếm môi, vuốt tóc hoặc lặp lại bất cứ một hành động nào đó, viên thanh tra sẽ ghi nhận lại như là biểu hiện của sự dối trá, và họ biết là mình đang đi đúng hướng
 Dàn dựng
 Viên thanh tra xây dựng nên nhiều giả thuyết khác nhau để buộc nghi phạm phải nhận tội. Họ sẽ nhìn thẳng vào mắt nghi phạm, và tìm hiểu nguyên nhân tại sao hắn làm điều đó, tại sao hắn nghĩ hắn có thể làm điều đó, và hắn có thể biện hộ như thế nào cho hành vi của mình. Nghi phạm có động cơ nào khác thường không? Hắn có đổ lỗi cho nạn nhân không?
 Ngay khi câu chuyện trở nên hợp lý, viên thanh tra sẽ bắt đầu sử dụng giọng nói nhẹ nhàng, đầy thông cảm và logic để tâm sự với nghi phạm. Trong suốt quá trình này, viên thanh tra luôn phải nhìn trực tiếp vào mắt nghi phạm. Hắn có tỏ ra chú ý hơn so với trước không? Có khẽ gật đầu không? Có tỏ ý tán thành không? Nếu có, viên thanh tra sẽ tiếp tục đi sâu vào câu chuyện này, từ đó nhanh chóng lấy được lời khai của nghi phạm. Nếu không, họ buộc phải xây dựng một câu chuyện khác, hợp lý hơn với nghi phạm.
Dập tắt phủ nhận
 Việc để nghi phạm phủ nhận tội lỗi của hắn sẽ giúp hắn tăng thêm tự tin, do đó viên thanh tra cần biết cách đập tan sự phủ nhận này. Có nhiều cách thực hiện, ví dụ, bạn có thể nói với nghi phạm rằng, sẽ đến lượt hắn trình bày, nhưng ngay lúc này, hắn cần lắng nghe. Ngay từ khi bắt đầu cuộc thẩm vấn, nhất cử nhất động của nghi phạm đã bị theo dõi sát sao, và chỉ cần hắn có ý định phủ nhận, viên thanh tra sẽ ngay lập tức dập tắt chúng.
 Nếu như không có bất cứ sự phủ nhận nào, đó là một dấu hiệu rất tích cực. Nếu lời phủ nhận ít dần, hoặc dừng hẳn trong quá trình thẩm vấn, viên thanh tra biết rằng câu chuyện của mình đang đi đúng hướng, và họ đã đến rất gần lời thú tội.
 Lấn át
 Nghi phạm có thể sử dụng nhiều lý lẽ khác nhau để phản bác lại viên thanh tra. “Tôi sẽ chẳng bao giờ cưỡng hiếp ai cả. Em gái tôi từng bị cưỡng hiếp, tôi biết điều đó đau đớn như thế nào. Tôi sẽ không bao giờ làm điều đó với bất cứ ai.” Viên thanh tra sẽ sử dụng chi tiết này như một thông tin để chống lại nghi phạm. Họ có thể nói rằng, “Anh thấy đó, rất tốt. Anh nói rằng anh không bao giờ có ý làm chuyện này. Tôi biết anh đã mất lúc đó anh đã mất kiểm soát? Đó chỉ là một sai lầm nhất thời, hoàn toàn không phải bản chất của anh.”
 Đồng minh
 Đây chính là thời điểm thích hợp để viên thanh tra tỏ ra nản lòng và mất niềm tin. Họ cố tỏ ra rằng họ cần đến sự trợ giúp của nghi phạm, thông qua đó, làm hắn mất cảnh giác. Họ sẽ cố gắng ngồi lại gần hơn với nghi phạm, họ tiếp tục câu chuyện của mình với giọng điệu thân thiện hơn, thậm chí, họ cần đến những cử chỉ như vỗ vai, chạm tay…
 Mất kiểm soát
 Nếu nghi phạm có bất cứ một cử chỉ nào cho thấy hắn đã đầu hàng – úp mặt vào tay, đặt khuỷu tay trên gối, cúi vai… viên thanh tra nhận thấy cơ hội buộc hắn thú tội đã đến rất gần. Viên thanh tra sẽ bắt đầu chuyển từ việc tiếp tục câu chuyện đến việc xây dựng động cơ. Ngay lúc này, viên thanh tra sẽ bằng mọi cách nhìn trực tiếp vào đối tượng – càng lâu càng tốt, càng thường xuyên càng tốt, từ đó trạng thái căng thẳng cũng như mong muốn được thoát khỏi cuộc tra vấn này càng sớm càng tốt sẽ được đẩy lên cực độ.
Luân phiên
 Viên thanh tra sẽ đưa ra hai động cơ hoàn toàn đối lập nhau, một động cơ hoàn toàn dễ chấp nhận, “Anh giết hắn chỉ để bảo toàn tính mạng”, và một động cơ đáng ghê tởm, “Anh giết hắn chỉ vì tiền”. Viên thanh tra sẽ luân phiên thay đổi giữa 2 sự lựa chọn này, từ đó đẩy nghi phạm vào trạng thái căng thẳng cực độ, cho đến khi hắn đầu hàng và có dấu hiệu đồng thuận với một động cơ nào đó.
 Đối thoại
 Khi nghi phạm đã đồng thuận với một động cơ nào đó, việc thú tội chính thức bắt đầu. Viên thanh tra sẽ khuyến khích nghi phạm nói về tội ác của mình, và đưa vào phòng thẩm vấn thêm ít nhất 2 người nữa để chứng kiến. Việc đưa thêm người vào chứng kiến không nằm ngoài mục đích gia tăng stress cho nghi phạm, nhưng đồng thời cũng buộc nghi phạm phải xem lại lý do gây án của mình, từ đó, khẳng định chắc chắn lời thú tội của mình.
 Thú nhận
 Đây là bước cuối cùng trong nỗ lực buộc nghi phạm phải thừa nhận tội ác mình đã gây ra. Viên thanh tra sẽ buộc nghi phạm phải ghi lại lời thú tội này, thông qua một bản viết tay, hoặc một chiếc máy thu âm. Thông thường, nghi phạm sẽ bằng lòng làm mọi thứ để nhanh chóng được rời khỏi phòng thẩm vấn. Hắn sẽ xác nhận tính tự nguyện trong lời thú tội, và ký vào đó trước sự chứng kiến của các nhân chứng.
 Một cuộc thẩm vấn thực sự
 Để hình dung rõ hơn về những phương thức thẩm vấn, hãy cùng tìm hiểu xem thanh tra Victor Lauria đã làm cách nào để buộc Nikole Michelle Frederick thú nhận tội ác của mình. Đứa con riêng chưa đầy 2 tuổi của chồng Frederick, đã được chuyển đến khoa cấp cứu trong tình trạng hấp hối, với những dấu hiệu rõ ràng của việc bạo hành. Cuộc thẩm vấn kéo dài 2 ngày, với kết thúc mà ai cũng có thể đoán trước.
 Lauria: Cô đánh giá khả năng làm mẹ của mình như thế nào?
 Frederick: Ừm, tôi nghĩ tôi đã làm khá tốt. Có thể tôi đã không được nghiêm khắc cho lắm.
 Lauria: Cô nghĩ Ann Marie có phải là một đứa trẻ ngoan không?
 Frederick: Tôi nghĩ nó khá nghịch ngợm. Nó khóc suốt ngày, luôn muốn được bế. Anh thấy đó, nó suốt ngày leo trèo nghịch ngợm, nên người nó lúc nào cũng tím bầm cả lên. Trông như lúc nào nó cũng bị đánh vậy.
 Frederick đã bắt đầu tạo lý do cho những vết thương của Ann Marie, đồng thời thiết lập cho mình một động cơ chính đáng – “Nó là một đứa trẻ nghịch ngợm”. Lauria đã sử dụng điều này như một cơ sở để bước đầu đi vào cuộc thẩm vấn. Anh để Frederick biết rằng cô sẽ bị lật tẩy như thế nào:
 Lauria: Có rất nhiều cách để cảnh sát biết được những vết bầm tím ấy là từ đâu mà ra.
 Frederick: Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ biết được chính xác chuyện gì đã xảy ra. Con bé là người duy nhất biết được, và lúc này có vẻ nó chẳng nói năng được gì. Tôi không có ý thô lỗ, nhưng ông định thẩm vấn tôi đến bao giờ?
 Lauria: Như tôi đã nói đấy, chúng tôi có thể biết được rất nhiều thứ qua những vết bầm tím ấy. Bác sỹ, giám định pháp y, cô biết đấy, họ sống với những dấu vết ấy mà.
 Frederick: Thì sao?
 Lauria: Cô có cho rằng sẽ có người nghi ngờ chính cô đã gây ra chúng không?
 Frederick: Không.
 Lauria: Cô có nghi ngờ ai khác không?

Frederick: Không, nhưng anh nghe tôi nói rồi đấy. Không cứ là phải có người đánh mới có thể….
Lauria cắt ngang: Trong số những người có mặt tại nhà cô kể từ tối qua, có ai cô cho rằng sẽ không bao giờ làm thế với Ann Marie?
 Frederick: Tôi biết John sẽ không bao giờ làm thế. Thành thực thì tôi cũng không cho rằng Brian sẽ làm thế.
 Lauria: Và ai sẽ nói những lời tương tự với cô?
 Frederick: Ừm, có thể là John. Nhưng tôi thấy chuyện này là không cần thiết. Tôi chẳng tin vào những gì mấy tay bác sỹ hay giám định viên của anh nói…
 Lauria tiếp tục cắt ngang với một câu chuyện do anh dựng lên. Anh cho rằng đó là một tình huống nằm ngoài kiểm soát. Frederick không hề có ý đánh đập con mình, đó chẳng qua chỉ do cô đang mất bình tĩnh. Nhưng Frederick tỏ ra không đồng thuận với câu chuyện đó. Cô liên tục vặn hỏi, “Tại sao anh không tin tôi?”, và ngay lập tức, Lauria chuyển sang một câu chuyện khác. Anh cho rằng những vết thương đó không phải do một va đập hoặc ngã mà ra, rằng có ai đó đã đánh đập Ann Marie, nhưng đó không phải là Frederick.
 Khi nhận thấy sự đồng thuận từ thái độ của Frederick, Lauria tiếp tục đào sâu vào câu chuyện này. Anh đổ hết lỗi cho Ann Marie, rằng nó là một đứa trẻ khó dạy bảo, rằng nó ương bướng và nghịch ngợm đến mức không ai có thể chịu nổi. Khi nhận thấy Frederick đã tỏ ra đồng ý, Lauria bắt đầu đưa ra những động cơ gây án. Anh nói với Frederick rằng, “Khi không có lời giải thích, người ta sẽ hướng đến tình huống tồi tệ nhất”. Hai động cơ tương phản nhau được đưa ra, một tay sát thủ máu lạnh ưa thích việc hành hạ trẻ nhỏ, và một người mẹ trót phạm phải lỗi lầm trong giây phút mất kiểm soát. Kết cục cuối cùng hẳn bạn đọc cũng có thể đoán được.
Trong suốt hai ngày thẩm vấn, Frederick chưa hề hỏi thăm về tình hình của Ann Marie. Trong những giờ phút cuối, Laurie đã thẳng thắn hỏi Frederick về điều này. Frederick phủ nhận, đồng thời lập tức yêu cầu Laurie cung cấp thông tin về tình trạng hiện tại của đứa trẻ. Khi Laurie nói rằng đứa bé đã chết não và có lẽ sẽ không qua khỏi, Frederick đã nhanh chóng sụp đổ, “Lạy Chúa, tôi đã phạm tội giết người! Tôi đã giết chết đứa bé ấy! Tôi đã giết chết nó rồi!”

Một câu chuyện có kết thúc không mấy lạc quan. Ann Marie chết vì những thương tích do bà mẹ kế gây ra, trong khi Nikole Michelle Frederick lĩnh mức án chung thân cho tội sát nhân độ I.
 Kết
 Thẩm vấn tội phạm chưa bao giờ là công việc dễ dàng như những gì bạn thấy trên phim ảnh. Nó đòi hỏi rất nhiều tố chất, từ khả năng giao tiếp, quan sát, đọc được những suy nghĩ, cảm xúc của đối phương cho đến khả năng ứng biến cực kỳ nhanh nhạy. Môi trường công việc cực kỳ căng thẳng, chưa kể nguy cơ đến từ việc những tên tội phạm có thể xông vào ăn thua đủ với bạn bất cứ lúc nào. Đây thực sự là công việc dành cho những người có thần kinh thép.

(Nguồn: Sưu tầm)

Monday, October 24, 2016

Học sinh cấp 2, cấp 3 phạm tội xử lý như thế nào (tuổi từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi)

Ngày nay hiện tượng “trẻ hóa tội phạm” ngày càng phổ biến, trong lứa tuổi học sinh, học cấp 2 (từ 12 tuổi đến 16 tuổi), cấp 3 (từ 16 tuổi đến 18 tuổi) tình trạng vi phạm pháp luật về hành chính và hình sự ngày càng diễn ra nhiều. VD các tội về xúc phạm danh dự nhân phẩm, gây hại sức khỏe, tính mạng người khác, các tội về trộm cắp… Theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm ở lứa tuổi này sẽ bị xử lý như sau: 
- Trẻ em dưới 12 tuổi: Pháp luật không có quy định hình thức xử lý cả về hành chính và hình sự.
- Trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi: Có thể áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.
- Trẻ vị thành niên từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi:
+ Có thể áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.
+ Bị xử lý hình sự nếu phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý.
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên: Phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật hình sự có quy định khác.

* Để tìm hiểu rõ hơn có thể nghiên cứu các quy định sau:
Điều 90. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Luật xử lý vi phạm hành chính)
1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định.
5. Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
6. Những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Điều 92. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (Luật xử lý vi phạm hành chính)
1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự.
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
4. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
5. Không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với các trường hợp sau đây:
a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Bộ luật hình sự)
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:
a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);
b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);
d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);
đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);
e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).


Friday, October 21, 2016

Pháp luật bảo vệ bạn như thế nào khi bạn bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm, bị gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng

Việc bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm, bị gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng có thể xảy ra do những mâu thuẩn trong đời sống hằng ngày xuất phát từ những tình huống trong cuộc sống như va chạm giao thông, xích mích hàng xóm, bất đồng ý kiến trong công việc... Trong trường hợp người khác chửi bới, xúc phạm bạn về danh dự, nhân phẩm, hay gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng của bạn, thì người đó sẽ bị xử lý theo pháp luật, cụ thể:
1. Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị xử lý hành chính, hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (theo khoản 1, điều 5, nghị định 167/2013/NĐ-CP)
2. Xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị xử lý hình sự, hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, vi phạm 02 lần trở lên sẽ bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13).
3. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% thì bị xử lý hình sự, hình thức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13).

* Lưu ý: Để có cơ sở xử lý theo pháp luật những đối tượng đã xúc phạm hay gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của bạn cần phải có chứng cứ để chứng minh. VD nếu chữ bạn thì bạn có thể quay phim, ghi âm lại, nếu nói xấu bạn trên mạng xã hội bạn có thể chụp hình lại; nếu gây tổn hại sức khỏe bạn bạn có thể xin giấy xác nhận của bác sĩ….
* Để tìm hiểu cụ thể hơn bạn có thể tham khảo các điều luật sau.
Khoản 1, điều 5, nghị định 167/2013/NĐ-CP
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
Điều 155. Tội làm nhục người khác (Bộ Luật Hình sự)
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Bộ Luật Hình sự)
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 

Thursday, October 13, 2016

Ăn trộm thì bị xử lý như thế nào?

Nhiều người trong đời, chắc sẽ có ít nhất một lần bị mất trộm một tài sản nào đó như điện thoại, tivi, tiền bạc, thú cưng... Những kẻ trộm này sẽ bị xử lý theo pháp luật như thế nào, có thể nhiều đọc giả chưa biết rõ về vấn đề này. 
Theo pháp luật Việt nam thì tùy vào giá trị tài sản, mức độ hành vi mà có thể bị xử lý như sau:
1. Trộm tài sản dưới 2.000.000Đ thì bị xử lý hành chính: hình thức phạt tiền từ 1.000.000Đ đến 2.000.000Đ (theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP)
2. Trộm tài sản trên 2.000.000Đ thì bị xử lý hình sự: hình thức cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (theo điều 173 Bộ Luật hình sự).
3. Tài sản trên 50.000.000Đ hoặc có tổ chức thì bị xử lý hình sự: hình thức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm (theo điều 173 Bộ Luật hình sự).
4. Tài sản trên 200.000.000Đ thì thì bị xử lý hình sự: hình thức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm (theo điều 173 Bộ Luật hình sự).

Để tìm hiểu cụ thể hơn bạn có thể tham khảo:
Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;
d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;
c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.
4. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 173 trongBộ luật hình sự Việt Nam quy định về: Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.