Friday, December 2, 2016

Nuôi dưỡng tư duy cầu tiến

Khi còn là nhà nghiên cứu trẻ, chỉ vừa mới bước vào nghề, một chuyện xảy ra đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi bị ám ảnh với việc tìm hiểu cách mọi người đối mặt với những thất bại, và tôi quyết định nghiên cứu bằng cách quan sát các học trò vật lộn với những bài tập khó. Vì vậy tôi đưa từng đứa trẻ một vào trong lớp ở trường của chúng, khiến chúng thoải mái và cho chúng một loạt các câu đố khó để giải.
Câu số 1 tương đối dễ, nhưng các câu tiếp sẽ khó dần. Trong lúc các em cau có, khó chịu và cặm cụi giải toán, tôi quan sát những chiến lược giải bài của chúng và thăm dò cách chúng suy nghĩ và cảm nhận. Tôi kì vọng sẽ có sự khác biệt giữa các em trong cách chúng đương đầu với khó khăn, nhưng rồi tôi nhận ra một điều mà mình chưa bao giờ ngờ tới.
Phải giải những bài tập khó, một cậu bé 10 tuổi nhấc ghế của mình lên, xoa hai tay vào nhau, cắn môi, và thét lên, "Con yêu thử thách!" Một cậu bé khác, đang làm bài toát mồ hôi hột, nhìn lên với nét mặt hài lòng và nói với giọng đầy quyền lực, "Cô biết đấy, con đang hi vọng có nhiều gợi ý hơn!"
(Ảnh minh họa)

Chúng làm sao vậy? Tôi tự hỏi. Tôi luôn nghĩ rằng hoặc là chúng ta đối mặt với thất bại hoặc là ta bỏ cuộc. Tôi chưa từng nghĩ có ai đó lại yêu thất bại cả. Có phải chúng là người ngoài hành tinh hay là chúng đã khám phá ra chân lý gì đó?
Ai ai cũng có người mình gọi là sư phụ, những người chỉ đường cho ta trong những giây phút quan trọng của cuộc đời. Lũ trẻ này là sư phụ của tôi. Rõ ràng chúng biết điều gì đấy mà tôi không biết và tôi quyết tâm phải tìm ra - để hiểu kiểu tư duy nào có thể biến thất bại thành một món quà.
Bọn trẻ đã biết điều gì? Chúng biết rằng những phẩm chất của con người như là các kĩ năng trí tuệ, có thể được nuôi dưỡng nhờ nỗ lực. Và đó là điều chúng đang làm - cố gắng thông minh hơn. Thất bại không khiến chúng nản lòng, chúng còn không thèm nghĩ rằng mình đang thất bại. Chúng nghĩ rằng mình đang học tập.
Tôi, mặt khác, lại nghĩ rằng các đặc điểm này được phong ấn từ khi mình sinh ra. Hoặc là bạn giỏi hoặc là đần, và thất bại nhiều chứng tỏ bạn thuộc vế sau. Đơn giản thế thôi. Nếu bạn có thể tóm được thành công và né được thất bại (bằng mọi giá), bạn có thể vẫn luôn là người thông minh. Sự đấu tranh, lầm lỗi, hay kiên trì không xuất hiện ở những con người xuất chúng.
Liệu các phẩm chất của ta là thứ có thể nuôi dưỡng hay là "của trời cho" là một vấn đề ngàn xưa. Bạn suy nghĩ ra sao về câu hỏi này mới là vấn đề mới: Đâu là những tác động của lối tư duy cho rằng trí thông minh hay tính cách của bạn là thứ có thể phát triển, trái với lối tư duy cho rằng đây là những đặc tính cố hữu, bén rễ sâu? Hãy cùng xem xét cuộc tranh cãi lâu đời, khốc liệt về bản tính con người và sau đó trở lại câu hỏi về ý nghĩa của hai niềm tin này đối với bạn.
TẠI SAO MỌI NGƯỜI KHÁC NHAU?
Từ thời hồng hoang, con người đã suy nghĩ khác nhau, hành xử khác nhau, và đạt được những thành tựu khác nhau. Thế nên câu hỏi dĩ nhiên phải đặt ra là: Tại sao tại sao, tại sao bạn kia lại thông minh hơn, tốt bụng hơn, và liệu có thứ gì đó bên trong khiến họ mãi khác người như vậy.
Các chuyên gia đứng về cả hai phía. Một số tuyên bố rằng chúng có nguồn gốc từ khác biệt sinh lý, khó có thể sửa đổi. Trong hàng trăm năm, những khác biệt cơ thể này đi từ những nốt lồi trên hộp sọ, kích thước và hình dạng của hộp sọ, và cho đến ngày nay là gene.
Một số khác chỉ ra những sai khác lớn lao trong hoàn cảnh xuất thân, trải nghiệm, quá trình đào tạo, hay phương pháp học mới là nguyên nhân. Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng một trong những người ủng hộ nhiệt liệt của quan điểm này là Alfred Binet, người sáng tạo ra bài kiểm tra IQ. Chẳng phải bài thi IQ sinh ra nhằm tóm gọn trí thông minh không thể thay đổi của lũ trẻ trong vài con số hay sao? Trên thực tế, không. Binet, một anh chàng người Pháp làm việc tại Paris trong những năm đầu thế kỉ 20, thiết kế bài kiểm tra này để xác định những người trẻ bị tụt hậu trong các trường học công ở Pháp, để các chương trình giáo dục mới có thể thiết kế lại để giúp đỡ chúng. Không phủ nhận những khác biệt trong trí thông minh của trẻ, ông tin rằng giáo dục và rèn luyện có thể mang lại những thay đổi trí tuệ căn bản. Đây là một đoạn trích từ một trong các cuốn sách lớn của ông, Những ý tưởng hiện đại về trẻ em, trong đó ông tóm tắt công trình của mình khi nghiên cứu hàng trăm trẻ có chứng khó học:
Rất nhiều các triết gia hiện đại...khẳng định rằng trí thông minh của một cá nhân là một đặc điểm cố định, không thể phát triển. Chúng ta phải biểu tình và phản ứng lại sự bi quan dã man này... Nếu có luyện tập, đào tạo, và quan trọng nhất, phương pháp, ta có thể tăng cường sự tập trung, trí nhớ, phán đoán và theo nghĩa đen, trở nên thông minh hơn trước đây.
Ai nói đúng? Ngày nay hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng đây không phải là câu trả lời có-hoặc-không. Vấn đề không phải là tự nhiên hay nuôi dưỡng, gene hay môi trường. Từ trong bào thai, sẽ luôn có sự tác động qua lại giữa hai thứ. Trên thực tế, như Gilbert Gottlieb, một nhà khoa học thần kinh nổi tiếng, chỉ ra, không chỉ gene và môi trường cùng hợp tác khi ta lớn, mà các gene còn đòi hỏi đầu vào từ môi trường để có thể hoạt động chính xác.
Cùng lúc đó, các nhà khoa học đang học được rằng con người có nhiều khả năng hơn mình tưởng để học tập và phát triển bộ não suốt đời. Tất nhiên, mỗi người sẽ được trời phú cho những ưu thế gene khác nhau. Họ có thể bắt đầu với tính cách, khả năng khác nhau, nhưng rõ ràng là trải nghiệm, huấn luyện và nỗ lực cá nhân có thể lo phần còn lại. Robert Sternberg, bậc thầy hiện đại về trí thông minh, viết rằng yếu tố chính quyết định mọi người có thể trở thành chuyên gia hay không "không phải nằm ở khả năng trước đó của họ, mà nằm ở sự rèn luyện có mục đích." Hay như Binet nhận thấy, không phải người nào sinh ra thông minh nhất rồi cũng là người thông minh nhất.
TẤT CẢ ĐIỀU NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ VỚI BẠN? HAI LOẠI TÂM TRÍ
Nghe các chuyên gia chém về các vấn đề khoa học là một chuyện. Hiểu cách áp dụng hai quan điểm này với bạn thế nào là một chuyện khác. Trong 20 năm trời, nghiên cứu của tôi đã chỉ ra rằng quan điểm bạn chọn có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cách bạn sống cuộc đời này. Nó có thể quyết định bạn có thể trở thành người như mình mong muốn không và bạn có thể đạt được những gì mình coi trọng không. Điều này xảy ra như thế nào? Làm sao một niềm tin đơn giản lại có sức mạnh biến đổi tâm lý và cuộc đời bạn được?
Khi tỉn rằng mình không thể thay đổi những phẩm chất của mình - tư duy bảo thủ - bạn sẽ tạo ra một nhu cầu phải chứng tỏ bản thân liên tục. Nếu trí tuệ, tính cách, đạo đức của bạn chỉ ở một ngưỡng nhất định - thì tốt nhất ngưỡng đó phải khá cao. Thật khó để chịu đựng được cảm giác thiếu hụt những đặc tính căn bản này trong mình.
Một vài người đã được đào tạo tư duy này từ khi còn nhỏ. Thậm chí khi là một đứa bé, tôi phải cố gắng thông minh, nhưng tư duy bảo thủ thực sự được đóng dấu bởi cô giáo lớp 6 tên là Wilson của tôi. Không giống như Alfred Binet, cô tin rằng điểm IQ sẽ nói lên cả cuộc đời bạn. Chúng tôi được xếp chỗ ngồi trong lớp theo thứ tự IQ, và chỉ những học sinh có IQ cao nhất mới được mang cờ, giặt giẻ lau bảng, hay đưa giấy tờ cho hiệu trưởng. Ngoài những khó chịu hàng ngày cô gây ra khi phán xét các học sinh, cô đang tạo ra một lối tư duy mà mọi học sinh trong lớp chỉ có một mục tiêu phải đạt được duy nhất - hãy chứng tỏ mình thông minh, đừng có tỏ ra ngu ngốc. Thế thì ai còn quan tâm hay thích thú việc học nếu mỗi lần làm bài kiểm tra hay lên bảng, bạn sẽ đánh mất hết danh dự của mình.
Tôi đã nhìn thấy rất nhiều người với chỉ một mục tiêu chứng tỏ bản thân kiểu này - trong lớp học, trong sự nghiệp và trong mối quan hệ của họ. Mỗi một tình huống lại đòi hỏi họ phải khẳng định sự thông minh, cá tính hay nhân cách của mình. Mỗi một tình huống đều bị đánh giá: Liệu mình sẽ thành công hay thất bại? Liệu mình trông có thông minh hay ngu ngốc? Liệu mình sẽ được nhận hay bị loại? Liệu mình có cảm thấy như một kẻ chiến thắng hay thua cuộc?
Nhưng chẳng phải xã hội của chúng ta đề cao trí tuệ, cá tính, và nhân cách hay sao? Mong muốn có được chúng không phải quá bình thường sao? Đúng, nhưng...
Có một lối tư duy khác mà bạn không coi những phẩm chất này là 'trời sinh voi, trời sinh cỏ', không phải lúc nào cũng cố gắng thuyết phục mình hay người đời rằng mình tài giỏi. Theo lối suy nghĩ này, bạn mới đang ở những nấc thang đầu của quá trình phát triển. Tư duy cầu tiến được dựa trên niềm tin rằng những phẩm chất cơ bản của bạn là những thứ bạn có thể nuôi dưỡng nhờ nỗ lực. Mặc dù mỗi cá nhân đều có xuất phát điểm khác nhau - từ tài năng, năng lực, mối quan tâm, tính khí - nhưng ai cũng có thể thay đổi và phát triển thông qua rèn luyện và trải nghiệm.
Có phải những người với tư duy này tin rằng ai cũng có thể làm bất cứ điều gì, rằng ai có động lực hoặc giáo dục chuẩn mực cũng có thể trở thành Einstein hay Beethoven? Không, nhưng họ tin rằng tiềm năng thực sự của một con người vẫn còn chưa được khai phá; rằng ta không thể thấy trước những gì một cá nhân có thể đạt được nếu họ có đam mê, chăm chỉ, và được đào tạo đúng đắn.
Bạn có biết rằng Darwin và Tolstoy từng được coi là những đứa trẻ bình thường? Rằng Ben Hogan, môt trong những tay gôn vĩ đại nhất mọi thời đại, khi còn nhỏ là một đứa vô cùng vụng về? Rằng nhiếp ảnh gia Cindy Sherman, người nằm trong mọi danh sách những nghệ sĩ quan trọng nhất của thế kỉ 20, đã trượt lớp học chụp ảnh đầu tiên của cô? Rằng Geraldine Page, một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất của ta từng được khuyên hãy từ bỏ vì bà không có tài?
Niềm tin cho rằng những phẩm chất quý giá này có thể phát triển sẽ tạo ra niềm đam mê học tập. Tại sao lại tốn thời gian chứng tỏ bản thân mình vĩ đại thế nào, khi bạn có thể tiến bộ mỗi ngày? Tại sao phải che dấu những khiếm khuyết thay vì vượt qua chúng? Tại sao lại phải tìm những đứa bạn hay người yêu chỉ để làm tăng sự tự tin thay vì những người dám thách thức bạn lăn xả? Đam mê phá bỏ giới hạn của bản thân và quyết đi tới cùng, thậm chí (và đặc biệt) khi mọi chuyện diễn ra không suôi sẻ, là dấu hiệu đặc trưng của tư duy cầu tiến. Đây là phong cách suy nghĩ sẽ giúp mọi người vượt qua những lúc bi đát nhất của cuộc đời mình.
MỘT GÓC NHÌN TỪ HAI KIỂU TƯ DUY
Để bạn hiểu hơn về cách hai kiểu tư duy hoạt động, hãy tưởng tượng, sống động nhất có thể, rằng bạn đang có một ngày rất rất tệ:
Ngày đó, bạn đi học một môn tủ rất quan trọng với bạn. Giảng viên trả bài kiểm tra giữa kì cho cả lớp. Bạn được điểm 4. Bạn cực kì thất vọng. Buổi tối trên đường trở về nhà hôm đó, bạn lại bị công an giao thông bắt. Cực kì buồn chán, bạn gọi cho người bạn thân mất của mình để giãi bày, nhưng cũng bị làm lơ.
Bạn sẽ nghĩ gì? Bạn cảm thấy ra sao? Bạn sẽ làm gì?
Khi tôi hỏi mọi người có tư duy bảo thủ, đây là điều họ sẽ nói: "Tôi cảm thấy như bị ruồng bỏ." "Tớ là một thất bại thảm hại." "Tớ là đứa ngu ngốc." "Tớ là kẻ loser". "Tớ chẳng có giá trị gì - mọi người đều giỏi hơn tớ." "Tớ là đứa bỏ đi." Nói cách khác, họ coi những chuyện vừa xảy ra như một thước đo năng lực và giá trị trực tiếp của mình.
Đây là những gì họ nghĩ về cuộc đời mình. "Cuộc đời tớ thật đáng thương." "Tớ sống như chết." "Ai đó ở tầng trên không ưa tớ." "Thế giới này ruồng bỏ tớ." "Ai đó muốn hủy hoại cuộc đời tớ." "Không ai yêu tớ cả, mọi người đều căm ghét tớ ." "Cuộc đời thật bất công và mọi nỗ lực của tớ đều như muối bỏ bể." "Đời thật nhạt. Tớ thật ngu. Chẳng có gì tốt đẹp sẽ đến với tôi hết." "Tớ là đứa bất hạnh nhất hành tinh này."
Xin lỗi đã ngắt lời, nhưng có thực sự là trời đang sập hay chỉ là vấn đề về điểm số, bị pikachu bắt, hay một cú điện thoại dở hơi?
Có phải đây chỉ là những người thiếu tự tin? Hay luôn bi quan? Không, khi họ không gặp thất bại, họ cảm thấy lạc quan và yêu đời - và tỏa sáng, cuốn hút - giống hệt như những người có tư duy cầu tiến.
Vậy họ sẽ đối mặt với vấn đề ra sao? "Tớ sẽ chẳng buồn bỏ thời gian và công sức để hoàn thành tốt thứ gì nữa." "Đếch làm gì sất." "Ở nhà ngủ." "Đi uống rượu." "Ăn." "Quát bất cứ đứa nào nếu tớ có cơ hội." "Ăn kẹo sô cô la." "Nghe nhạc và bĩu môi." "Chui vào tủ quần áo của tớ và ngồi đó." "Đánh nhau với đứa nào đấy." "Khóc." "Đập thứ gì đó." "Còn gì để tớ giải sầu nữa không?"
Bạn biết đấy, khi tôi viết tình huống này, tôi cố tình để điểm 4, chứ không phải 2.  Đây là bài giữa kì chứ không phải bài cuối kì. Bị công an bắt, chứ đâu phải gặp tai nạn giao thông. Đứa bạn thân chỉ không chú tâm, chứ đâu phải chối bỏ bạn. Không phải tận thế đang đến. Vậy mà từ những nguyên liệu này, tâm trí bảo thủ đã tạo ra cảm giác thất bại hoàn toàn và tê liệt
Khi tôi đưa tình huống tương tự này cho những người có tư duy cầu tiến, đây là những gì họ nói. Họ nghĩ rằng:
"Tớ cần cố gắng hơn trong lớp, cẩn thận hơn khi đi xe, và hỏi xem liệu bạn mình cũng đang có một ngày tồi tệ."
"Điểm 4 có nghĩa là tớ phải chăm chỉ học bài hơn, nhưng tớ còn cả nửa kì còn lại để gỡ điểm."
Có rất nhiều câu nói kiểu này, nhưng tôi nghĩ là bạn hiểu vấn đề rồi. Giờ, họ sẽ đối mặt với thử thách ra sao? Đáp án là đối mặt trực tiếp.
"Tớ bắt đầu nghĩ về việc học hành chăm chỉ hơn (hoặc học theo phong cách khác) cho bài kiểm tra tiếp theo trong lớp, đằng nào cũng mất tiền công an rồi, và tớ sẽ giải quyết chuyện với người bạn thân nhất của mình trong lần gặp mặt tới."
"Ôn bài chăm chỉ cho bài kiểm tra tiếp theo, nói chuyện với giáo viên, cẩn thận khi lái xe và tìm hiểu xem bạn mình có vấn đề gì."
Dù bạn có tư duy bảo tiến hay bảo thủ thì bạn vẫn sẽ bức bối thôi. Đời này ai không buồn chứ? Những chuyện như bị điểm xấu hay bị người bạn thân hay người yêu bỏ rơi - chúng chẳng có gì vui vẻ cả. Tuy nhiên những người có tư duy cầu tiến không tự chụp mũ mình và buông tay. Kể cả khi họ đang sầu đời, họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đối mặt với những thách thức và tiếp tục cố gắng.
VẬY, CÓ GÌ MỚI KHÔNG?
Đây có phải một ý tưởng chưa từng có không? Người đời đã nói nhan nhản về tầm quan trọng của rủi ro và sức mạnh của sự kiên trì, như là "Liều thì ăn nhiều" và "Nếu ban đầu bạn không thành công, hãy thử lại, thử tiếp" hay "Rome không được xây trong một ngày." Điều ngạc nhiên là những người có tư duy bảo thủ sẽ không đồng ý. Đối với họ, "Trèo cao thì ngã đau." "Nếu ban đầu bạn không thành công, có thể bạn không có khả năng đó." "Nếu Rome không được xây trong một ngày, có lẽ đừng xây nữa." Hay nói cách khác, rủi ro và nỗ lực là hai thứ có thể bộc lộ sự bất tài của bạn và chỉ ra rằng bạn không đủ khả năng để làm việc này. Trên thực tế, thật ngạc nhiên khi thấy mức độ những người có tư duy bảo thủ không tin vào sự nỗ lực.
Điểm mới nữa là quan điểm của mọi người về rủi ro và nỗ lực nảy sinh từ chính lối tư duy của họ. Không đơn giản chỉ là một số người ngẫu nhiên nhận ra giá trị của việc thách thức bản thân và sự quan trọng của tính kiên trì. Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy rằng lối suy nghĩ này bắt nguồn trực tiếp từ tư duy cầu tiến. Khi chúng tôi dạy mọi người cách tư duy cầu tiến, tập trung vào sự phát triển, góc nhìn của họ về sự thất bại và cố gắng cũng thay đổi theo. Tương tự, vấn đề không phải là ngẫu nhiên một số người lại ghét thử thách và cố gắng. Khi ta (trong một khoảng thời gian) đặt mọi người vào lối tư duy bảo thủ, tập trung vào những phẩm chất cố định, họ nhanh chóng sợ hãi chướng ngại và đánh giá thấp nỗ lực.
Ta thường gặp những cuốn sách với tựa đề kiểu Mười bí mật của những người thành công nhất thế giới chiếm hết các giá sách, và những cuốn này có thể đưa ra một vài lời khuyên hữu ích. Nhưng chúng thường là một danh sách những bài học rời rạc, như "Hãy liều lĩnh hơn!" hay "Hãy tin vào bản thân mình!" Mặc dù đọc xong bạn có thể ngưỡng mộ những vĩ nhân này, bạn không bao giờ thấy rõ các bài học kết nối với nhau như thế nào hoặc các bước để mình đạt được thành tích tương tự. Vì vậy, bạn có thể đầy nhiệt huyết trong vài ngày, nhưng về căn bản thì bí mật thành công của họ vẫn được giữ kín.
Nhưng nếu bạn bắt đầu hiểu tư duy bảo thủ và cấu tiến, bạn sẽ hiểu chính xác tính logic của chúng - làm sao một niềm tin rằng những phẩm chất của bạn được trời cho dẫn tới một loạt những suy nghĩ và hành động kiểu này, và làm sao một niềm tin rằng những phẩm chất của bạn có thể được phát triển lại có dẫn tới một loạt những suy nghĩ và hành động hoàn toàn khác. Đó là thứ mà các nhà tâm lý học như chúng tôi gọ là trải nghiệm Aha!. Tôi không chỉ chứng kiến cảnh này khi dạy mọi người về lối tư duy mới, mà tôi đã nhận được rất nhiều các bức thư từ những độc giả đã học công trình của tôi...
TỰ KHAI SÁNG: AI CÓ QUAN ĐIỂM CHÍNH XÁC VỀ TÀI NĂNG VÀ GIỚI HẠN CỦA HỌ.
Có thể, những người có tư duy cầu tiến không nghĩ mình là Einstein hay Beethoven, nhưng chẳng phải họ có khả năng tâng bốc bản thân qua và cố gắng làm những điều bất khả thi? Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy con người đánh giá năng lực của mình cực kì tệ. Gần đây, chúng tôi có làm thí nghiệm để xem ai dễ chuẩn đoán sai hơn? Đúng là mọi người đều đoán sai, nhưng chính những người có tư duy bảo thủ lại là nhóm chiếm phần sai nhiều nhất. Những người có tư duy cầu tiến, ngạc nhiên thay, lại đoán vô cùng chuẩn xác.
Khi nghĩ sâu hơn về hiện tượng này, bạn sẽ thấy nó hợp lý. Nếu, giống như những người có tư duy cầu tiến, bạn tin rằng mình có thể phát triển bản thân, thì bạn sẽ cởi mớ trước các thông tin chính xác xác định năng lực hiện tại của mình. Hơn nữa, nếu bạn muốn học để giỏi hơn, bạn lại càng cần sự phản ánh chính xác để có thể học hiệu quả. Tuy nhiên, nếu có tin tốt hay xấu về những phẩm chất quý giá của bạn - như với những người có tư duy bảo thủ - chắc chắc thông tin đó sẽ bị biến đổi. Một số kết quả sẽ bị phóng đại, một số thì được biện hộ, và bạn sẽ chẳng bao giờ biết được mình là ai.
Howard Gardner, trong cuốn sách Những trí tuệ siêu phàm (Extraordinary Minds), kết luận rằng những kẻ xuất chúng có "tài năng đặc biệt khi xác định điểm mạnh và điểm yếu cảu mình." Thú vị là những người có tư duy cầu tiến dường như cũng có năng lực này.
(Nguồn: http://tramdoc.vn/)


No comments:

Post a Comment