Monday, March 27, 2017

Pháp luật xử lý như thế nào đối với việc đưa thông tin, hình ảnh của người khác trái phép lên mạng xã hội

Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, mạng xã hội mà phổ biến là Facebook có những tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Bên cạnh mặt tích cực, nhiều cá nhân đã lợi dụng môi trường mạng để lan truyền, chia sẻ hình ảnh, xâm hại đời tư, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác...
Không chỉ tung tin lên trang facebook cá nhân, nhiều người còn đăng trên các diễn đàn, hội nhóm trên facebook để lan truyền cho nhiều người. Thực tế đã có nhiều trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật, bôi xấu người khác từ góc nhìn phiến diện của bản thân chỉ nhằm thỏa mãn những tư thù cá nhân, hay có khi chỉ là hành vi câu “like” trên mạng xã hội. Những thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng này lại luôn khiến cộng đồng mạng ồn ào, sẵn sàng tung hô theo số đông.
(Thông tin mạng xã hội)
Mới đây, trên nhóm facebook Chợ sale DAKMIL (một nhóm bán hàng tổng hợp với hơn 39 nghìn thành viên), một phụ nữ tên N.H.T, trú tại xã Đức Mạnh (Đắk Mil) đã đăng ảnh của một người phụ nữ tên B, trú cùng xã với lời tố cáo người này ngoại tình, cướp chồng người khác. Bài viết nhanh chóng thu hút rất nhiều lượt xem, bình luận của các thành viên trong nhóm, nhiều ý kiến hùa theo, lên án hành vi của người phụ nữ tên B. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng hiềm khích cá nhân giữa T và B nên tự giải quyết chứ không nên đăng lên mạng xã hội như vậy. Đồng thời, những người biết nội tình sự việc cũng lên tiếng đính chính thông tin trên là không chính xác và yêu cầu T gỡ bài viết, tránh bôi nhọ danh dự, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình người khác.
Đây là một trong số những trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép, xâm hại đời tư cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác diễn ra trên mạng xã hội. Việc sử dụng hình ảnh của người khác một cách tùy tiện để đưa lên mạng mà không xin phép, không được sự đồng ý của cá nhân sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại, bị xử phạt hành chính với mức phạt lên đến vài chục triệu đồng và nặng nhất là bị xử lý hình sự.
Bộ luật Hình sự có những chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm của người dùng mạng internet. Cụ thể, người có hành vi loan truyền những thông tin bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể phạm tội vu khống (Điều 122). Trường hợp đưa những thông tin trên mạng xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có dấu hiệu cấu thành tội làm nhục người khác (Điều 121).
Thực tế nhiều trường hợp, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý trường hợp đưa thông tin sai sự thật lên trang facebook cá nhân. Chủ trang facebook đó vừa phải kiểm điểm trước đơn vị công tác, vừa phải nộp phạt vi phạm hành chính và chịu những phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng.
Người sử dụng mạng xã hội cần phải ý thức được giới hạn của việc đưa thông tin, hình ảnh của người khác lên internet sao cho đúng mực. Bởi lẽ, nếu không kiểm soát được những việc làm của mình, có thể những thông tin tưởng chừng vô thưởng vô phạt vẫn gây ra những hậu quả khôn lường. Mạng ảo nhưng hậu quả không hề ảo.

Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ:
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.


 (Nguồn: baodaknong.org.vn)

No comments:

Post a Comment