Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì
để đưa một vụ án ra xét xử cần trải qua nhiều giai đoạn. Cụ thể là các giai
đoạn như khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
(Ảnh: Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự)
Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày
nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều
tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và
quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trong
trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố
có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì
thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không
quá hai tháng ( Điều 103. Nhiệm vụ giải
quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố)
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà thời gian điều tra
có thể kéo dài tối đa từ 2 đến 4 tháng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết
thúc điều tra. Trong một số trường hợp tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc
mà có thể gia hạn thêm. ( Điều 119 – Thời hạn điều tra)
Về vấn đề công an yêu cầu hai bên hòa giải. Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình
sự thì không có điều luật nào quy định việc được phép tiến hành hòa giải trong
vụ án hình sự nhưng cũng không có quy định nào cấm hòa giải. Do đó, việc hòa
giải vẫn có thể xem xét và được trong trường hợp đối với các vụ án khởi tố theo
yêu cầu của người bị hại. Như
vậy, nếu hành vi của hai người kia thuộc vào khoản 1 điều 104 Bộ luật Hình sự
thì công an có thể yêu cầu hai bên tiến hành hòa giải.
Luật
tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục để tiến hành điều tra vụ án hình sự
xảy ra (nói chung là tất các vấn đề liên quan đến vụ án hình sự xảy ra - đây là
luật hình thức mà). Trên thực tế, mỗi vụ án hình sự xảy ra mỗi vụ một kiểu,
không kiểu nào giống kiểu nào mà chúng ta phải vận dụng linh hoạt các quy định
của luật tố tụng hình sự. Thông thường thì đầu tiên phải xác định có tội phạm
xảy ra hay không? Sau đó ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Rồi tiến
hành hàng loạt các biện pháp điều tra như: hỏi cung bị can, lấy lời khai
người làm chứng, người bị hại,... trưng cầu, giám định, đối chất,.. Việc tiến
hành biện pháp nào trước, biện pháp nào sau và tiến hành như thế nào tùy thuộc
vào từng vụ án xảy ra. Khi có đầy đủ chứng minh tội phạm và người phạm
tội,... (chứng minh hết những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự), thì ra
bản kết luận điều tra và chuyển Viện kiểm sát để họ xem xét hồ sơ, cần làm rõ
tình tiết gì thêm không? Khi họ đã oke rồi thì viện kiểm sát có trách nhiệm
truy tố người phạm tội trước pluật. Giai đoạn sau thuộc Tòa án, cái này mình
chưa rõ lắm.
Các Giai đoạn cụ thể như sau:
Phần 2. Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự
1. Khái niệm:
Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự đầu tiên mà
trong đó cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp
luật tố tụng hình sự tiến hành việc xác định có (hay không) các dấu hiệu của
tội phạm trong hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện, đồng thời ban
hành quyết định về việc khởi tố (hoặc không khởi tố) vụ án hình sự liên quan đến
hành vi đó.
2. Bản chất pháp lý:
Xuất phát từ khái niệm khoa học đã được đưa ra trên đây của giai
đoạn khởi tố vụ án hình sự, chúng ta có thể nhận thấy, bản chất pháp lý của
giai đoạn này là ở chỗ: Với tính chất là một giai đoạn độc lập và đầu tiên của
tố tụng hình sự, giai đoạn khởi tố vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm
vụ cụ thể để xác định các tiền đề pháp luật về nội dung (vật chất) và về pháp
luật về hình thức (tố tụng) của việc điều tra vụ án hình sự; thời điểm của giai
đoạn này được bắt đầu từ khi nhận được những thông tin đầu tiên về việc thực
hiện hành vi phạm tội và kết thúc bằng quyết định về việc khởi tố (hoặc không
khởi tố) vụ án hình sự có liên quan đến hành vi
đó.
3. Vai trò và ý nghĩa của giai đoạn này được thể hiện trên
các bình diện chủ yếu như sau:
- Một mặt, khởi tố vụ án hình sự là sự phản ứng nhanh chóng từ
phía Nhà nước đối với mỗi hành vi phạm tội nhằm góp phần phát hiện, điều tra và
xử lý một cách có căn cứ và đúng pháp luật hành vi phạm tội và người phạm
tội, đồng thời không chỉ là chức năng quan trọng trong hoạt động tư pháp hình sự
mà còn là phương tiện cơ bản để thực hiện tốt nguyên tắc không tránh khỏi trách
nhiệm trong thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm;
- Mặt khác, khởi tố vụ án hình sự cũng góp phần loại trừ một thái
cực khác trong hoạt động tư pháp hình sự, ngăn chặn kịp thời việc thông qua
quyết định khởi tố vụ án hình sự một cách thiếu cân nhắc kỹ, vội vàng và
do vậy, có thể sẽ kéo một loạt hậu quả tiêu cực tiếp theo trong việc truy cứu
tố tụng hình sự ở các giai đoạn tố tụng hình sự tiếp theo sau (như: Điều tra
không có căn cứ đối với những hành vi không chứa đựng dấu hiệu của tội phạm
hoặc nói chung những là không diễn ra trong thực tế khách quan, khám xét, bắt,
giam giữ, buộc tội, xét xử một cách vô căn cứ và trái pháp luật, làm oan những
người vô tội);
- Và cuối cùng, khởi tố vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng
hình sự cơ bản và quan trọng để tăng cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do
của công dân trước khi khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của
giai đoạn điều tra, cùng với các giai đoạn tố tụng hình sự khác góp phần có hiệu
quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội.
Phần 3. Giai đoạn điều tra
1. Khái niệm:
Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự thứ hai mà
trong đó cơ quan Điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự
và dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm
thu thập và củng cố các chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án hình sự,
phát hiện nhanh chóng và đầy đủ tội phạm, cũng như người có lỗi trong việc thực
hiện tội phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm cho việc
bồi thường thiệt hại về vật chất do tội phạm gây nên và trên cơ sở đó quyết
định: Đình chỉ điều tra vụ án hình sự hoặc là; Chuyển toàn bộ các tài liệu của
vụ án đó cho Viện kiểm sát kèm theo kết luận điều tra và đề nghị truy tố bị
can.
2. Bản chất pháp lý:
Với tính chất là một giai đoạn độc lập của tố tụng hình sự, giai
đoạn điều tra vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm áp
dụng các biện pháp cần thiết do luật định để chứng minh việc thực hiện tội phạm
và người phạm tội, xác định rõ những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, đồng
thời kiến nghị các cơ quan và tổ chức hữu quan áp dụng đầy đủ các biện pháp
khắc phục và phòng ngừa tội phạm; Thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ
khi cơ quan (người) tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền ra quyết định khởi
tố vụ án hình sự và kết thúc bằng bản kết luận điều tra và quyết định của Cơ
quan Điều tra về việc đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án hoặc
đình chỉ vụ án hình sự tương
ứng.
3. Vai trò và ý nghĩa của giai đoạn này được thể hiện trên
các bình diện chủ yếu như sau:
- Một mặt, điều tra vụ án hình sự là chức năng quan trọng trong
hoạt động tư pháp hình sự của cơ quan (người) tiến hành có thẩm quyền đối
với mỗi hành vi phạm tội nhằm trực tiếp chứng minh hành vi phạm tội và người có
lỗi trong việc thực hiện tội phạm thông qua các chứng cứ đã thu thập được, đồng
thời cũng là một trong những phương tiện cơ bản để thực hiện tốt nguyên tắc
không tránh khỏi trách nhiệm trong thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự,
tránh bỏ lọt tội phạm;
- Mặt khác, điều tra vụ án hình sự cũng góp phần loại trừ một thái
cực khác trong hoạt động tư pháp hình sự, ngăn chặn kịp thời việc thông qua
quyết định khởi tố bị can một cách không thận trọng, thiếu chính xác và do vậy,
có thể sẽ kéo một loạt hậu quả tiêu cực tiếp theo xảy ra trong việc truy cứu
trách nhiệm hình sự ở các giai đoạn tố tụng hình sự (như: Truy tố của Viện kiểm
sát hoặc xét xử của Tòa án không khách quan, vô căn cứ và trái pháp luật, làm
oan những người vô tội);
- Và cuối cùng, điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng
hình sự cơ bản và quan trọng để tăng cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do
của công dân trong các giai đoạn trước khi khởi tố của Viện kiểm sát và xét xử của
Tòa án, cùng với các giai đoạn tố tụng hình sự khác góp phần có hiệu quả vào
cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội.
Phần 4. Giai đoạn truy tố
1. Khái niệm:
Quyết định việc truy tố là giai đoạn thứ ba của hoạt động tố tụng
hình sự, mà trong đó Viện kiểm sát căn cứ vào các quy định của pháp luật tố
tụng hình sự tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đánh giá một cách toàn
diện, khách qua các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm cả kết luận điều tra và
quyết định đề nghị truy tố) do Cơ quan điều tra chuyển đến và trên cơ sở đó
Viện kiểm sát ra quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng
(kết luận về tội trạng); Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc là đình chỉ hay
tạm đình chỉ vụ án hình
sự.
2. Bản chất pháp lý:
Với tính chất là một giai đoạn độc lập của hoạt động tố tụng hình
sự, giai đoạn truy tố về hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do
luật định kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của toàn bộ các hành vi tố tụng
mà cơ quan Điều tra có thẩm quyền đã áp dụng để bảo đảm cho các quyết định của
Viện kiểm sát được chính xác và khách quan góp phần truy cứu trách nhiệm hình
sự đúng tội, đúng người và đúng pháp luật. Thời điểm của giai đoạn này được bắt
đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm
cả kết luận điều tra và đề nghị truy tố) do Cơ quan điều tra chuyển đến và kết
thúc bằng việc Viện kiểm sát ra một trong ba loại quyết định sau: 1) Truy tố bị
can trước Tòa án bằng bản cáo trạng (kết luận về tội trạng), 2) Trả lại hồ sơ
để điều tra bổ sung hoặc là 3) Đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự tương
ứng.
3. Vai trò (ý nghĩa) của giai đoạn này được thể hiện trên
các bình diện chủ yếu như sau:
- Một mặt, truy tố là chức năng quan trọng của Viện kiểm sát nhằm
áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để kiểm tra lại tính hợp pháp và
có căn cứ của toàn bộ các hành vi tố tụng mà cơ quan Điều tra có thẩm quyền đã
áp dụng; để loại trừ những hậu quả tiêu cực của các sai lầm hoặc sự lạm dụng đã
bị bỏ lọt trong hai giai đoạn tố tụng hình sự trước đó;
- Mặt khác, quyết định truy tố của Viện kiểm sát thông qua bản cáo
trạng thể hiện hoạt động chứng minh trên cơ sở các tài liệu của hồ sơ của vụ án
(nhất là kết luận điều tra) tính chất lỗi của hành vi phạm tội, lỗi của bị cáo trong
việc thực hiện tội phạm để góp phần có hiệu quả trong việc chuẩn bị cho giai
đoạn xét xử của Tòa án, loại trừ những thiếu sót hoặc hậu quả tiêu cực tiếp
theo có thể xảy ra do việc xét xử thiếu công minh, vô căn cứ và không đúng pháp
luật, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan những người vô tội;
- Và cuối cùng, chính vì vậy, truy tố là một giai đoạn tố tụng
hình sự quan trọng để cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân
trong các giai đoạn trước khi xét xử tại Tòa án.
Phần 5. Giai đoạn xét xử
1. Khái niệm:
Xét xử vụ án hình sự là giai đoạn thứ tư và cuối cùng, trung tâm
và quan trọng nhất của hoạt động tố tụng hình sự, mà trong đó cấp Tòa án có
thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành: 1)
áp dụng các biện pháp chuẩn bị cho việc xét xử, 2) Đưa vụ án hình sự ra xét xử
theo thủ tục sơ thẩm để xem xét về thực chất vụ án, đồng thời trên cơ sở kết
quả tranh tụng công khai và dân chủ của hai bên (buộc tội và bào chữa) phán xét
về vấn đề tính chất tội phạm (hay không) của hành vi, có tội (hay không) của bị
cáo (hoặc xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm - nếu bản án hay quyết định sơ
thẩm đã được tuyên và chưa có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng cáo, kháng nghị
hoặc kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án hay quyết định đã có hiệu
lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm - nếu bản án hay quyết
định đó bị kháng nghị) và cuối cùng, tuyên bản án (quyết định) của Tòa án có
hiệu lực pháp luật nhằm giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự một cách công minh
và đúng pháp luật, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết
phục.
Thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ khi Tòa án nhận được
hồ sơ vụ án hình sự (với quyết định truy tố bị can trước Tòa án kèm theo bản
cáo trạng) do Viện kiểm sát chuyển sang và kết thúc bằng một bản án (quyết định)
có hiệu lực pháp luật của Tòa
án.
2. Bản chất pháp lý
Với tính chất là một giai đoạn độc lập của hoạt động tố tụng hình
sự, giai đoạn xét xử có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do luật định
để: 1) áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết để chuẩn bị cho việc xét xử vụ
án tại phiên tòa, 2) Xét xử theo thủ tục sơ thẩm (hoặc xét xử theo thủ tục phúc
thẩm - nếu bản án hay quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng
cáo, kháng nghị, hoặc kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của bản án hay
quyết định đã có hiệu lực pháp luật - nếu bị kháng nghị) và cuối cùng, 3) tuyên
bản án (quyết định) của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
3. Vai trò và ý nghĩa của giai đoạn này được thể hiện trên
các bình diện chủ yếu như sau:
- Xét xử là chức năng quan trọng nhất của Tòa án nói riêng và của
toàn bộ quá trình tố tụng hình sự nói chung nhằm áp dụng các biện pháp cần
thiết do luật định để kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của toàn bộ các quyết
định mà cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát đã thông qua trước khi chuyển vụ án
hình sự sang Tòa án, nhằm loại trừ các những hậu quả tiêu cực của các sơ xuất,
sai lầm hoặc sự lạm dụng đã bị bỏ lọt trong ba giai đoạn tố tụng hình sự trước
đó (khởi tố, điều tra và truy tố), chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, hoặc trả lại
hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ (hay tạm đình chỉ) vụ
án;
- Bằng việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm (nếu bản án hay quyết định
chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị) thông qua quá trình điều
tra trực tiếp tại phiên tòa, trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai và dân chủ
của các bên, Tòa án với tính chất là cơ quan trọng tài kiểm tra lại và đánh giá
một cách toàn diện, khách quan và đầy đủ các chứng cứ, các tình tiết của vụ án
hình sự để giải quyết về bản chất nó - phán xét về vấn đề tính chất tội phạm
(hay không) của hành vi, có tội (hay không) của bị cáo hoặc bằng việc kiểm tra
tính hợp pháp và của bản án theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (nếu bản
án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị), nhằm đạt mục đích
trong toàn bộ các giai đoạn tố tụng hình sự là tuyên một bản án (quyết định) có
hiệu lực pháp luật một cách công minh và đúng pháp luật, có căn cứ và đảm bảo
sức thuyết phục tránh bỏ lọt tội phạm và kết án oan người vô tội.
Xét xử là một giai đoạn tố tụng hình sự trung tâm và quan trọng để
cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong các giai đoạn xét
xử của Tòa án nói riêng và toàn bộ hoạt động tư pháp hình sự của Nhà nước
nói chung, góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm
trong toàn xã hội, cùng với các giai đoạn tố tụng hình sự khác góp phần có hiệu
quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội./.
(Nguồn: Sưu Tầm)
No comments:
Post a Comment