Friday, December 2, 2016

Trường học và trường đời - bề ngoài nên vâng lời tuyệt đối, còn bên trong cần tỉnh táo và gắng sức nổi loạn

Có những người xuất sắc ở trường học nhưng thảm bại ở trường đời, và ngược lại.
Chúng ta đều muốn trở thành những cá nhân xuất sắc ở trường vì một lý do hiển nhiên vẫn thường nghe: trường học là đoạn đường quan trọng để vững bước vào đời.
Về bản chất, chẳng mấy ai thực tình yêu thích điểm 10. Chúng ta muốn đạt điểm cao vì tất nhiên là ai cũng muốn sau này sẽ có một sự nghiệp toàn vẹn, một ngôi nhà thoải mái và sự ngưỡng mộ của mọi người xung quanh.
 Nhưng đôi khi, có một điều khó hiểu lại xảy ra thường xuyên hơn cái thứ dường như được công nhận tuyệt đối ở trên: có những người xuất sắc ở trường học nhưng thảm bại ở trường đời, và ngược lại.
(Ảnh minh họa)
Ngôi sao ở trường hợp thứ nhất, người từng biết chính xác cách làm hài lòng giáo viên bây giờ có lẽ đang bị xếp dưới đáy ở văn phòng nào đó, hoặc chuyển về tỉnh thị với hi vọng tìm được việc tốt hơn. Con đường tưởng như dẫn chắc đến thành công cuối cùng lại khiến họ đâm vào cát bụi.
 Thật ra, chúng ta không cần phải ngạc nhiên: chương trình giảng dạy ở trường không phải do những người thực sự giàu kinh nghiệm, am hiểu hay tài ba về thế giới ngoài kia thiết kế nên. Các thể loại giáo trình không được xây dựng dựa trên cuộc đời viên mãn thực sự của những con người đang sống trong thời điểm hiện tại. Thay vào đó, tri thức từ chúng bị ảnh hưởng bởi đủ kiểu thế lực chạy suốt hơn một trăm năm phát triển – trong đó chủ yếu là giáo trình của các tu viện thời Trung cổ, quan điểm của một số học giả Đức ở thế kỷ XIX, và mối quan tâm của những tầng lớp quý tộc.
Điều này giúp lý giải muôn vàn tật xấu mà trường học tiêm nhiễm:
o Họ ngụ ý rằng những điều quan trọng nhất đã được khám phá, và mọi điều trong sách đã là chân lý rồi. Họ chẳng giúp gì ngoài việc cảnh báo chúng ta về mối hiểm nguy của tính nguyên bản.
o Họ muốn chúng ta giơ tay lên để chờ được chọn. Họ muốn chúng ta liên tục xin phép sự đồng thuận từ người khác.
o Họ dạy ta nuôi dưỡng hơn là thay đổi kỳ vọng.
o Họ dạy ta sắp xếp lại các ý tưởng đã có sẵn hơn là phát minh ra cái mới.
o Họ dạy ta kì vọng rằng những người có chức quyền biết tất tật - thay vì cho phép ta tưởng tượng ra theo những cách đầy cảm hứng rằng không ai thực sự nắm được chuyện gì đang xảy ra cả.
 o                Họ dạy ta tin rằng họ luôn trăn trở về những lợi ích lớn nhất, tốt nhất và gắn liền với cả cuộc đời của ta mà không tiết lộ rằng họ thực tình chỉ hứng thú với những thành tích ta đạt được ở các khóa học thử thách thiển cận và hạn hẹp mà họ đặt ra. Họ chẳng cứu được ta và càng không bao giờ có động lực để làm điều đó.
o Họ dạy ta tất cả mọi thứ ngoại trừ hai kỹ năng thực sự quyết định vận mệnh cuộc sống sau này: biết cách chọn công việc phù hợp cho mình và biết cách tạo lập những mối quan hệ mĩ mãn. Họ sẽ chỉ ta tiếng Latin và cách tính chu vi đường tròn trước khi dạy ta những môn học cốt lõi: Lao động và Yêu thương.
Nói như vậy không có nghĩa là tất cả những gì ta cần làm để thành công trong cuộc sống là cứ đội sổ ở trường học. Một cuộc sống tốt đẹp đòi hỏi ta làm hai thứ khó nhằn: trở thành một học trò cực kỳ ngoan ngoãn trong 20 năm, và đồng thời không bao giờ mù quáng tin rằng những thứ chúng ta bị bắt học có giá trị và tầm quan trọng dài lâu.

 Chúng ta, bề ngoài nên vâng lời tuyệt đối, còn bên trong cần tỉnh táo và gắng sức “nổi loạn”.
(Nguồn: Sưu tầm)

No comments:

Post a Comment