Thursday, April 21, 2016

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (1926-2000)

Năm 1955, sinh viên Việt Nam Ngô Viết Thụ xuất sắc vượt qua cuộc thi sát hạch để đoạt Khôi nguyên La Mã về kiến trúc. Khôi nguyên là người đỗ đầu kỳ thi. Giải La Mã hay giải thưởng Rome (tiếng Pháp: Prix de Rome) là giải học bổng dành cho sinh viên ngành nghệ thuật, được lập ra tại Pháp vào năm 1663 dưới thời vua Louis XIV, dành cho các nghệ sĩ hứa hẹn tài năng: hoạ sỹ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư. Đến năm 1804, giải thưởng học bổng này thêm vào 2 ngành nghệ thuật nữa là âm nhạc và chạm khắc. Tại sao một giải thưởng của Pháp lại mang tên thủ đô Rome (La Mã) của Ý. Lý do là năm 1666, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Jean Baptist Colbert đã thành lập Viện Hàn lâm Pháp tại Rome. Người đoạt giải La Mã sẽ được gửi đến đó để nghiên cứu và sáng tác trong 3 năm. Giải thưởng La Mã ngừng vào năm 1968, nhưng lúc đó thì sinh viên Ngô Viết Thụ đã là một kiến trúc sư khôi nguyên tài hoa từ lâu rồi.
(Ảnh: Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ)
 Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ quê ở Huế, ông sinh năm 1926. Năm 18 tuổi, ông thi đỗ vào Trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt, trực thuộc Trường Mỹ thuật Đông Dương. Mới học chưa được 1 năm thì trường giải thể do chiến tranh. Năm 1950, ông sang Pháp tiếp tục học kiến trúc sư tại Trường Mỹ thuật quốc gia Paris. Năm 1955, ông đoạt Giải thưởng La Mã về kiến trúc, được vào nghiên cứu và sáng tác 3 năm tại khu biệt thự Madicis của Viện Hàn lâm Pháp tại Rome. Tại đây, ông dự thi thiết kế công trình Ngôi thánh đường bên Địa Trung Hải có sức chứa trên 40.000 tín đồ, được lọt vào vòng trong. Vòng trong có 10 thiết kế của nhiều thí sinh quốc tế tài năng nhất, thí sinh khôi nguyên Ngô Viết Thụ tiếp tục đoạt giải lần nữa, lần này là Premier Grand Prix de Rome (Giải nhất Giải thưởng lớn La Mã) về kiến trúc. Danh hiệu Khôi nguyên La Mã của ông càng uy tín hơn, nhiều người gọi ông là Đại Khôi nguyên La Mã.
Năm 1960, trở lại Việt Nam, ông tổ chức triển lãm các dự án nghiên cứu của mình ở châu Âu tại Tòa Đô chính Sài Gòn. Dự án nổi kết Sài Gòn – Chợ Lớn được thể hiện trên mấy chục tấm pa-nô lớn và các mô hình từng được triển lãm tại La Mã dành được rất nhiều sự quan tâm. Tiếc là điều kiện lúc đó không thể thực hiện được. Ông mở văn phòng tư vấn kiến trúc và từ đó chính thức làm nghề kiến trúc sư.
Công trình đầu tiên của ông ở Việt Nam và cũng là công trình đầu tay sau khi rời Viện Hàn lâm Pháp là thiết kế Dinh Độc Lập. Tổng thể và chi tiết công trình hình thành từ triết lý Á Đông, được thể hiện bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn và tinh tế kiến trúc Tây phương và Đông phương, kiến trúc hiện đại và truyền thống, xứng đáng là công trình kiến trúc của không gian và thời gian.
(Ảnh: Dinh Độc lập do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế)
 Ông thiết kế nhiều đồ án quy hoạch có giá trị như cảnh quan Công trường Mê Linh với điêu khắc của điêu khắc sư Nguyễn Văn Thế (1961), Làng Đại học Thủ Đức (1962) Hội chợ Quốc tế của Việt Nam tại Thủ Đức, đồ án quy hoạch cho khoảng chừng 30 đô thị, tỉnh lỵ, và thị xã mới tại miền Nam Việt Nam. Ông cũng đã thiết kế nhiều công trình xây dựng lưu dấu ấn đầy giá trị về kỹ thuật lẫn mỹ thuật, như Viện Đại học Huế, Viện Nguyên tử Đà Lạt, Nhà máy dệt Phong Phú, Khách sạn Hương Giang 1 (Huế), Nhà thờ Phủ Cam (Huế), Trường Đại học Nông nghiệp Thủ Đức.
Công trình đầu tiên của ông sau ngày đất nước thống nhất là Ty (nay là Sở) Thủy lợi Đắc Lắc, rồi đến Bệnh viện Sông Bé, Khách sạn Century (Huế), phác thảo tổng thể chùa Trúc Lâm (Đà Lạt), tham gia quy hoạch tổng thể mặt bằng Hà Nội đến năm 2000, quy hoạch Tp. Hải Phòng…
Ông qua đời ngày 9/3/2000 tại Tp.Hồ Chí Minh
Bên cạnh các công trình kiến trúc, ông còn để lại nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc, thơ và từng là nhạc sỹ nhạc dân tộc tài hoa.
(Nguồn: Kiến thức phổ thông)

No comments:

Post a Comment